Phát biểu tại lễ ký, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá cao việc ký kết Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa. Đây là việc làm có ý nghĩa đồng hành cùng chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi của khí hậu.
Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, nhân Ngày Môi trường thế giới, Bộ đã triển khai hàng loạt hoạt động trong cả nước để kêu gọi người dân giảm sử dụng các đồ dùng làm từ nhựa để chung tay bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.
Tại lễ ký kết, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai đô thị có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Việt Nam. Do đó, Hà Nội đang phải đối mặt với các thách thức ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới với chủ đề: “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nylon”, Hà Nội triển khai nhiều hoạt động giáo dục môi trường, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay xây dựng nền kinh tế xanh, hướng đến một Hà Nội xanh và bền vững, khỏe mạnh và đáng sống.
Trong các ngày 1 và 2-6, nhiều hoạt động đã diễn ra tại Quảng trường Lý Thái Tổ. Chương trình “Ngày hội sống xanh” đã thu hút tham gia của hàng nghìn thanh niên, học sinh, sinh viên và người dân Hà Nội. “Ngày hội sống xanh” là nỗ lực gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức, nhóm cộng đồng, trường học và doanh nghiệp. Đồng thời, sự kiện này cũng giúp người dân trên địa bàn thành phố có thêm nhiều trải nghiệm mới lạ, những kiến thức hữu ích về bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa.
Đánh giá cao đóng góp của các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế trong việc cùng chung tay bảo vệ môi trường ở Việt Nam, ông Nguyễn Thế Hùng khẳng định, Hà Nội cam kết tạo điều kiện để các Sứ quán và các tổ chức quốc tế triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường.
Thay mặt các đối tác quốc tế, bà Ping Kitnikone, Đại sứ Canada tại Việt Nam cho biết, thông qua việc ký Quy tắc ứng xử này, các cơ quan đối tác quốc tế cam kết tiến hành đánh giá hiện trạng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại văn phòng cơ quan và bắt đầu thay đổi cách thức hoạt động để giảm thiểu chất thải nhựa.
Tất cả các tổ chức ký kết nhất trí sẽ vận động nhân viên giảm chất thải nhựa và khuyến khích các đối tác của mình áp dụng các giải pháp nhằm hạn chế hoặc không tạo ra chất thải nhựa. Với hành động chung này, các cơ quan đối tác quốc tế tại Việt Nam mong muốn trở thành các tác nhân thúc đẩy việc giảm ô nhiễm chất thải nhựa và nâng cao nhận thức về tác động tiêu cực của nó đối với con người, động vật và môi trường.
Theo: nhandan.com.vn